CÀ PHÊ ARABICA ĐƯỢC TRỒNG Ở ĐÂU?

Khi nhắc đến cà phê mỗi người dân Việt Nam chúng ta không thể không nói đến cà phê Arabica Đà Lạt, cà phê Robusta Buôn Mê Thuột hay cà phê Arabica Sơn La. Mỗi loại cà phê được viết liền với tên địa danh, những vùng đất thân thuộc có lịch sử trăm năm trồng cà phê.  Ở Việt Nam, nhiều nơi có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp cho việc trồng cây cà phê. 

Không chỉ ở Việt Nam Arabica còn được trồng phổ biến tại Brazil và các nước Nam Mỹ. Trong đó, Brazil là nước sản xuất cà phê Arabica lớn nhất thế giới, còn Colombia là nước sản xuất cà phê Arabica lớn thứ hai thế giới, đồng thời là nước sản xuất cà phê Arabica chế biến chất lượng cao. 

Nhưng đâu mới là vùng  trồng trọt và cho ra những trái cà phê Arabica ngon nhất tuyệt vời trên thế giới hiện nay. Điều này hẳn không nhiều người biết nếu không tìm hiểu khi thưởng thức cà phê. Bài viết dưới đây sẽ phần nào giải đáp cho những người không chỉ yêu thích hương vị cà phê Arabica mà còn muốn tìm hiểu quê hương của giống cây này.

NGUỒN GỐC CÂY CÀ PHÊ ARABICA

Có thể bạn chưa biết Arabica là loại cây có nguồn gốc từ Ethiopia nhưng hiện nay chúng còn rất ít ở nơi  đây. Ở Ethiopia người ta có thể bắt gặp những cây cà phê Arabica hoang dã trong rừng nhiệt đới ở Tây Nam Ethiopia hoặc bên kia biên giới và các nước láng giềng như phía bắc Kenya, Đông nam Sudan.

Những giống Arabica từ Ethiopia theo thời gian đã được con người nuôi trồng cải tạo và trở thành loại cây trồng cho trái và hạt để sản xuất cà phê. Cây cà phê Arabica có chất lượng hạt rất tốt tuy nhiên cây lại rất nhạy cảm với sâu bệnh hại nên thường có năng suất không cao như những loại cà phê khác. 

Arabica là loại cà phê chỉ trồng được tại các vùng có điều kiện độ cao, khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng đó mới thích hợp cho sự phát triển của giống cà phê này, nên Việt Nam dù đã có hơn 630.000ha trồng cà phê nhưng chỉ có một số vùng có thể đáp ứng được yêu cầu này.  Vì vậy cho nên trong 645.400 ha (2016) trồng cà phê của cả nước thì chỉ có khoảng 55.000 ha cà phê Arabica. Sản lượng cà phê này tập trung chủ yếu thuộc các tỉnh như  Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên…

Đọc Thêm  TẠI SAO CẦN BẢO QUẢN CÀ PHÊ-MẸO BẢO QUẢN CÀ PHÊ ĐÚNG CÁCH

Tuy nhiên đổi lại Arabica lại có hương vị tuyệt hảo và vô cùng quyến rũ, và được nhiều người ưa chuộng trong nước cũng như trên thế giới. Một điều thực tế là cà phê Arabica là loại có giá trị kinh tế nhất trong các loài cà phê hiện nay.trở thành Nữ hoàng trong giới cà phê thượng hạng.

VÙNG ĐẤT LÀM NÊN TÊN TUỔI ARABICA TẠI VIỆT NAM

Cà phê Arabica Cầu Đất, Đà Lạt:

Nhắc đến Đà Lạt thơ mộng chắc hẳn các bạn không thể nào không kể tên đến những loại đặc sản như: dâu tây Đà Lạt, bơ, hồng hay rượu nho Đà Lạt. Và thật là thiếu sót nếu ta không nhắc đến những đồi cà phê ngút ngàn trong sương sớm. Từ bao lâu nay cà phê vẫn là một loại đặc sản gắn liền với vùng đất đầy nắng và gió, những con người chân đất thật thà xứ ấy vẫn đang ngày đêm vun trồng giống cây đặc biệt này để mang đến cho người yêu thích cà phê những tách cà phê với hương vị tuyệt vời.

Vùng Cầu Đất của Đà Lạt, Lâm Đồng được thiên nhiên ưu đãi nên loại Arabica Cầu Đất có chất lượng rất cao và được mệnh danh là Nữ Hoàng cà phê Việt Nam, một loại cà phê Arabica thơm ngon bậc nhất thế giới. Ngoài ra, những chủng cà phê đầu tiên được trồng ở Cầu Đất như Yellow Bourbon, Typica cũng được rất nhiều những người sành cà phê quan tâm, mong muốn thưởng thức.

Chắc hẳn những ai đã từng một lần thưởng thức Arabica đều không thể nào quên nổi hương vị chua thanh, đắng nhẹ tạo nên sự thanh tao, quý phái, màu nước cà phê nâu nhạt, trong trẻo của hổ phách tạo nên sự sang trọng, quyến rũ.

Như đã vừa nhắc đến ở trên vùng đất càng cao, càng lạnh thì chất lượng cà phê Arabica càng ngon. Với độ cao trên 1.600m so với mực nước biển, cùng với khí hậu lạnh, sương mù hầu như quanh năm, vùng Cầu Đất, Đà Lạt là thiên đường cho cây cà phê Arabica. Cùng với đó là cách thu hái rất công phu – hái tỉa, trái cà phê chín tới đâu hái tới đó chứ không thu hoạch ồ ạt cả trái chín, trái xanh cùng lúc.Diện tích trồng cà phê ở Cầu Đất khoảng 1.100ha.

Đọc Thêm  [CẨN THẬN] MẶT NẠ CÀ PHÊ DÙNG SAI LÀ TOANG LÀN DA

Cà phê Arabica Khe Sanh, Quảng Trị:

Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến TT. Khe Sanh-Hướng Hóa-Quảng Trị chắc hẳn sẽ nhìn thấy những đồi cà phê.Tại nơi đây có khoảng 5.000ha trồng cà phê với thương hiệu là Arabica Khe Sanh.

Độ cao vùng đất ở đây từ 350-500m so với mực nước biển. Khe Sanh đang được Hiệp Hội Cà Phê – Ca Cao Việt Nam chọn làm nơi thử nghiệm mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao với mong muốn biến Khe Sanh thành một trung tâm trồng và sản xuất cà phê của miền Trung.

Người dân huyện Hương Hóa cũng đang dần ý thức được thương hiệu cà phê Arabica Khe Sanh của mình và đang chuyển dần sang thưởng thức cà phê Khe Sanh ngày càng nhiều.Với chiến lược tái canh hiệu quả cây cà phê Arabica trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang cấp bách tái cơ cấu ngành nông nghiệp cà phê để phát triển thương hiệu cà phê Khe Sanh có được tầm vóc quốc tế,gìn giữ và phát triển danh hiệu cà phê Arabica Khe Sanh – Quảng Trị với trải nghiệm thuần vị cà phê nguyên bản

Cùng với đó, người tiêu dùng cũng chuyển dần thói quen sang thưởng thức cà phê nguyên chất và không pha trộn.Năm 2012, giá trị xuất khẩu của cà phê Arabica Khe Sanh đạt 25 triệu USD và hiện nay đang ấp ủ giấc mơ tham vọng xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ.

Cà phê Arabica Tây Bắc Việt Nam:

Khi nhắc đến cà phê Việt Nam, hầu hết chúng ta đều nghĩ đến Tây Nguyên. Không phải ai cũng biết loại cây này đã có mặt ở miền núi phía Bắc hơn một trăm năm nay và đang góp mặt không nhỏ vào bức tranh cà phê đặc sản của cả nước.

Vùng đất Tây Bắc, chủ yếu là 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nên tại đây trồng hầu hết là cà phê Arabica. Tính tới cuối năm 2011, tổng diện tích trồng khoảng gần 9.000ha và theo quy hoạch của địa phương tới năm 2020 sẽ là 16.000ha.

Đọc Thêm  HẠT CÀ PHÊ CÓ MẤY LOẠI, CÁCH NHẬN BIẾT VÀ BẢO QUẢN

Điện Biên là một vùng núi thấp, khí hậu có 2 mùa, mùa đông lạnh và khô đối nghịch với mùa hè nóng và nhiều mưa. Điện Biên có địa hình khép kín nên mùa đông đỡ lạnh hơn, hàng năm chỉ có ít ngày có nhiệt độ dưới 15oC. Tuy vậy ở đây mùa đông cũng có khả năng xuất hiện sương muối nhưng mức độ ít nghiêm trọng như ở Thuộc Châu Mai Sơn, Sơn la 

Sơn La với một hệ thống núi non trùng điệp bao quanh các bồn địa, các cao nguyên, cà phê chè được trồng trên các sườn dốc của chân các dãy núi thấp hoặc trên các chỏm đồi với độ cao chừng 600m trên mực nước biển trên. 

Mặc dù các vùng đất trồng cà phê ở đây không có độ cao lý tưởng, chỉ vào khoảng 400 – 500m nhưng vẫn có thể trồng cà phê Arabica, sản phẩm cũng cho chất lượng khá tuy nhiên chất lượng cà phê Arabica ở vùng này còn thấp so với các vùng khác.Bởi đa số người dân vẫn quen trồng và chăm bón cây mà không hề có bất kì hiểu biết cơ bản, chỉ để mọc tự nhiên và bón phân như các loại cây thông thường khác. Theo thời gian, phương thức canh tác truyền thống không còn phù hợp. Hệ quả là lượng thu mua giảm do chất lượng hạt cà phê ngày một đi xuống. Nhiều gia đình đã bỏ cây cà phê và bắt đầu chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác để cải thiện thu nhập. Arabica đã có lúc trở thành nỗi buồn ám ảnh nhiều người trồng cà phê ở Tây Bắc. 

Hiện nay sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La và Điện Biên đang từng bước quy hoạch hệ thống và hướng dẫn người nông dân cách làm nhằm nâng cao chất lượng cũng như sản lượng cà phê của vùng Tây Bắc này.

Qua bài viết này chắc hẳn các bạn đã phần nào hiểu hơn về nguồn gốc cũng như trả lời cho câu hỏi cà phê Arabica được trồng ở đâu? Và chắc hẳn nếu có một lần đặt chân về những vùng đất này bạn-tôi-chúng ta nhất định sẽ tìm mua cái thứ hương vị đặc biệt làm mê đắm lòng người này bạn nhé!

Bài viết này có hữu ích với bạn không ?

Để lại một bình luận

Cookie được sử dụng bởi trang web này để cải thiện dịch vụ chúng tôi có thể cung cấp cho bạn. Bằng cách tiếp tục duyệt trang web, chúng tôi sẽ cho rằng bạn hài lòng khi trình duyệt web của bạn nhận được tất cả cookie từ trang web của chúng tôi. Vui lòng xem trang Chính sách Bảo mật của chúng tôi để biết thêm thông tin về cookie được icaphe.vn sử dụng